Chưa qua giai đoạn “bi đát”
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2023, ngành xây dựng ước đạt mức tăng trưởng 7,3 – 7,5%, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đề ra, nhưng đó là so với mức nền thấp của năm 2022. Trên thực tế, xây dựng vẫn là ngành gặp khó nhiều nhất trong năm vừa qua.
Thị trường bất động sản “đứng hình” trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, áp lực từ mức lãi vay 11 – 13%/năm trở lên liên tục đè nặng qua từng tháng khiến các doanh nghiệp ngành xây chật vật trong con đường hoạt động kinh doanh. Thậm chí, hồi tháng 5/2023, trong cuộc phỏng vấn với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận xét: “Ngành xây dựng đang trong giai đoạn bi đát nhất từ trước tới giờ”.
Trong trong một cuộc họp giữa các nhà thầu tại miền Trung, nhiều chủ công ty xây dựng không đủ dũng khí đến tham dự khi có tới 40 doanh nghiệp nhà thầu vừa và nhỏ trong khu vực này rơi vào cảnh không có việc làm.
Tại thị trường miền Bắc, một loạt nhà thầu không có cơ hội tham gia xây dựng công trình mới, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế, các nhà thầu chính được lựa chọn cho dự án thành phần thuộc Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 chủ yếu là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 36, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam. Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên do các nhà thầu tới từ Nhật Bản triển khai…
Từ tháng 4/2023, mặt bằng lãi suất huy động bắt đầu có xu hướng giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao so với năm 2022. Đặc biệt, giai đoạn 9 tháng đầu năm 2023, lãi suất vay ngân hàng gấp gần 1,5 lần mức bình quân cả năm 2022, dẫn đến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng cao.
Bên cạnh đó, chi phí nhân công, vật liệu đầu vào tiếp tục tăng, trong khi các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư trước đó đều có đơn giá cố định, khiến hiệu quả kinh tế các dự án sụt giảm, bào mòn lợi nhuận các doanh nghiệp.
Ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons cho biết, niên độ 2023 – 2024 chỉ hoàn thành 31% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình dự kiến, năm 2024 có thể tiếp tục thua lỗ. Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings cho hay, lợi nhuận sau thuế năm 2023 ước đạt hơn 10 tỷ đồng, bằng khoảng 20% kế hoạch. Đại diện Công ty cổ phần FECON chia sẻ, dù quý IV/2023 có chuyển động tích cực hơn nhưng không “gánh” được 3 quý đầu năm 2023 và lợi nhuận cả năm cách xa mục tiêu. Không ít doanh nghiệp khác như CC1, Licogi 18, Cotana… cũng chịu cảnh lợi nhuận giảm mạnh.
Các doanh nghiệp hạ tầng như CII, IDICO, Licogi 13… được tham gia một số gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, nhưng kết quả kinh doanh cũng kém khả quan khi dòng tiền với các hoạt động liên quan đến đầu tư công thường chậm và khả năng thu hồi lâu.
Với các gói thầu xây lắp giao thông, lợi nhuận định mức tại hiện chỉ khoảng 5%, khó có thể “bao” những bất cập về đơn giá, định mức và bù đắp cho những biến động giá vật liệu xây dựng trong giai đoạn thi công. Do đó, phần lớn các nhà thầu phụ thuộc vào nhu cầu từ xây dựng dân dụng.
TS. Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Phân tích tài chính DGCapital nhìn nhận, ngành xây dựng vẫn đang trông cậy chủ yếu vào hai nguồn, một là sự phục hồi của thị trường bất động sản, hai là việc giải ngân mạnh mẽ vốn đầu tư công. Tuy vậy, cả hai nguồn này đều không dễ có trong “một sớm một chiều”. Lĩnh vực xây dựng công nghiệp, năng lượng có triển vọng tích cực, song cạnh tranh rất dữ dội, biên lợi nhuận không thực sự hấp dẫn.
Vẫn nhiều thách thức trong năm 2024
Báo cáo xu hướng sản xuất – kinh doanh ngành xây dựng với sự khảo sát 5.045 doanh nghiệp hoạt động trong ngành này do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, mặc dù có sự cải thiện trong quý I/2023, nhưng từ quý II/2023, chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất – kinh doanh của ngành xây dựng bắt đầu xu hướng đi ngang và quý IV/2023 cho thấy sự đi xuống rõ rệt.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 20,2% doanh nghiệp hoạt động dưới 50% năng lực; 30,3% doanh nghiệp hoạt động từ 50% đến dưới 70% năng lực; 27,9% doanh nghiệp hoạt động từ 70% đến dưới 90% năng lực; 18,9% doanh nghiệp hoạt động từ 90% đến 100% năng lực; chỉ có 2,7% doanh nghiệp hoạt động trên 100% năng lực thực tế.
Đó là chưa kể tình trạng nợ đọng xây dựng tràn lan. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình cho hay, năm 2023 là năm khó khăn nhất từ trước tới nay đối với những doanh nghiệp trong ngành xây dựng, đặc biệt là các nhà thầu. Nhiều ông chủ bất động sản lớn nợ Hòa Bình cả ngàn tỷ đồng mỗi “ông”.
Bản thân Hòa Bình đang “dính” các khoản nợ từ một nửa trong số 60 khách hàng của Công ty. Sơ sơ các “con nợ trăm tỷ” đang “ôm” của Tập đoàn khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Hòa Bình phải chịu áp lực thanh toán cho hơn 1.400 nhà thầu phụ.
Có những chủ thầu buộc phải bán đi máy móc, thiết bị có giá mua hàng trăm triệu USD, vốn mất nhiều năm tích cóp mới có được. Ông Hải ví việc này có cảm giác như “bán máu” vậy, nhưng không bán được cũng “đau khổ” không kém. Tại Hòa Bình, số thiết bị, máy móc được định giá 1.400 tỷ đồng gặp trục trặc, nên vừa không có tiền xoay vòng, trả nợ, vừa phải chịu hư hao khi “đắp chiếu” trong kho.
Tình hình sản xuất – kinh doanh kém khả quan trong quý cuối năm 2023 khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lo ngại, giá trị hợp đồng xây dựng mới trong quý đầu năm 2024 có thể chưa được cải thiện, thậm chí giảm.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đánh giá, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản khiến cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng. Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công gặp khó khăn.
“Tình hình kinh doanh năm 2024 có thể cải thiện hơn khi thị trường bất động sản dự kiến có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa thể hết khó”, ông Hòa nhận định.